Pages

Subscribe:

Labels

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Tuyển tập những bài thơ của Nhà thơ Thanh Tòng







HÀ NỘI ĐÂU CÒN NỖI ĐOẠN TRƯỜNG
Vùng đất biển dâu tựa kịch trường
Hà Thành nay đã mở màn sương
Bác Hồ dìu dắt xây đời mới
Tiên tổ hộ phù tỏa ánh dương
Từng bước đánh tan, lui Pháp, Mỹ
Nhịp nhàng hội nhập đẩy công thương
Mùa thu Cách mạng lừng năm cõi
Hà Nội còn đâu nỗi đoạn trường.
Mùa thu 2008



THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
Xin mạn phép họa bài “ Thăng Long hoài cổ ” của Bà Huyện Thanh Quan.
Tạo hóa gây chi cuộc kỳ trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn chau mặt với tang thương
Ngàn năm sương cũ soi tiên tổ
Kẻ đấy người đây luống đoạn trường.


HỎI BỤT
Nếu để, chỉ là hòn đất
Nhưng cất lên thành ông Bụt rạng ngời
Tượng đất tưởng như vô tri vô giác
Nhưng thiện tâm vẫn tỏa ngát hương đời
            Trong cuộc sống nếu ta “ cử ” những con người
            Chỉ có vẻ bề ngoài mỹ miều hình thức
            Còn bên trong lại kém tài, kém đức
            Đâu còn là “ chọn mặt gửi vàng”
            Sẽ “ gây tai ương cho xã hội nhân quần ”
            Bọn kém đức tài càng leo cao càng đục khoét    
            Miễn sao cho Đô – la đầy két
            “ Sống chết mặc dân ” họ chỉ biết có tiền.
Bụt ơi sao ông vẫn chỉ rất hiền
Ông chỉ khuyên thế gian làm điều thiện
Còn phật tử ngàn đời hằng cầu nguyện
Mong Bụt sớm hiện xuống trần gian
Để ra tay cứu vớt chúng sinh,
Thoát khỏi cảnh bần hàn bức xúc
Để không còn bọn “ ban ngày ăn cướp ”
Cho muôn dân được hưởng thanh bình
            Bụt rằng: với tấm lòng thành,
            Dẹp tan quỷ dữ dân tình yên vui
            Con thuyền rẽ sóng ra khơi
Vượt qua bể khổ “ vẫn ngời niềm tin”
Dù loài tham nhũng cuồng điên,
“ Toàn dân đoàn kết ” ắt nên cơ đồ.



VỊNH HÒN TRỐNG MÁI
Con tạo vẽ hình mãi đẹp tươi
Đây hòn Trống Mái giáp trùng khơi
Bạn đời sát cánh bao thiên kỷ
Trần thế sao đành tách lứa đôi.
Sầm Sơn hè 2007

MUỐN ĐẸP CHO CHỒNG
Nếu bà “ liêm khiết ” được như ông
Hẳn bọn đàn em cũng hết lòng
Bọn chúng hăng say tìm ngõ tối *
Các “ cô ” thích thú đón hơi đồng **
Trống rong cờ mở trừ tham nhũng
Ý Đảng lòng dân đã thuận đồng
Nhắn gửi phu nhân nơi trướng hậu
Tránh tham là để đẹp cho chồng.
Ghi chú:
* Ngõ tối :  hối lộ
** Hơi đồng: Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê ( Truyện Kiều ) 


CHIẾC PHAO  *
Chiếc phao là để cứu sinh
Trong vùng bão lũ mênh mông tràn về
Chiếc phao có phép diệu kỳ
Cứu người chới với trong khi hiểm nghèo
Ngày nay lắm kẻ chuyên nghề
Lược ghi giải đáp các đề vào phao
Học lười chẳng được là bao
Khi thi lén lút tìm phao cứu mình
Học cần đi đôi với hành
Học mà như “ Rứa ” thì hành làm sao
Nhân dân ta rất tự hào
Cậy trông lớp trẻ lược thao gồm tài
Nếu như cứ học kiểu này
Ra trường góp sức với đời sao đây
Một điều nhắc lại đừng quên
“ Dùng phao ” là xấu chẳng cơm cháo gì?
Học chăm để mỗi kỳ thi
Điểm dành cao nhất mãi ghi bảng vàng.
Mùa thi 2006-2007
*: Là người làm công tác giảng dạy lâu năm tôi đã mấy lần được nghe nói về chiếc phao nhưng nay đích thân nhặt một “ Chiếc phao ” ở dưới sân trường tôi thấy có trách nhiệm làm gì đây tôi viết bài thơ này.


XƯA VÀ NAY
Ông cháu đi học
Thuở nhỏ lội sông tôi đến trường *
Ngày nay nhẹ nhõm vút trên đường
“ Giấc mơ ” con trở cháu đi học **
Hai cảnh bể dâu cũng lẽ thường.

Cầu được ước nên
Mơ ước ngày xưa xe phượng hoàng***
Sau mong xe máy phóng về làng
Giờ đây cầu được ô tô xịn
Bóng nhoáng vi vu vút nhẹ nhàng.

Cơm tám bát sứ
Mua gạo xưa mong đỡ xếp hàng
Về sau lại muốn gạo quê làng
Đến nay thường chọn tám thơm phức
Bát sứ cơm ngon món bổ lành.

Đất nước mãi mến yêu
Cuộc sống ngày nay đã khác nhiều
Ấm lo hạnh phúc với tình yêu
Cháu con nối tiếp gắng gìn giữ
Cho đất nước này mãi mến yêu.
Ghi chú:
*Làng không có trường tôi phải lội qua sông Cửu An sang học ở làng bên kia sông
**Giấc mơ xe máy Dream
***Xe phượng hoàng: thời bao cấp chỉ muốn được phân phối chiếc xe Trung Quốc phượng hoàng.



TIẾNG CHIM HÓT TRONG VƯỜN CẢNH
Vẫn còn đôi chim nhỏ
Chiêm chiếp kêu trên cành
Nhưng em đâu còn nữa
Chỉ còn một mình anh
            Vườn nhà xưa xanh tốt
            Hoa đua nở bốn mùa
            Giờ đây còn đâu nữa
            Bởi vắng em sớm trưa
Nhớ ngày tám tháng ba
Anh ra vườn hái hoa
Tặng em ngày quốc tế
Nay em đã đi xa
            Chim ơi chim cứ nhảy
            Để tiễn người đi xa
            Chim ơi cứ nhảy nhót
            Để làm dịu lòng ta.

THANH MIỆN QUÊ TÔI ĐỔI MỚI
Thanh Miện mình ơi quý mến nhiều
Ở xa càng nhớ biết bao nhiêu
Cửu – An uốn khúc dòng xanh biếc
Đường nhựa khắp vùng thật đáng yêu.

Về thăm càng thấy đẹp quê mình
Ba vụ nối nhau tựa bức tranh
Chuyển đổi cây trồng thêm thủy sản*
Giảm ngheo xóa đói ắt càng nhanh.

Dân sinh cải thiện sáng ngời ngời
Văn hóa xây nền giúp mọi người
Lịch sử văn minh vui giao tiếp
Không còn vất vả chạy ngược xuôi.

Cuộc sống giờ đây đã khác xưa
Đâu còn mái rạ để che mưa
Nhà tầng mái ngói chen san sát
Hạnh phúc ấm no thỏa ước mơ.

Con đường đổi mới đã hơn xưa
Có Đảng anh minh dìu dắt ta
Vẫn tự sức mình là chính yếu
Từ đây cuộc sống mãi vươn xa.
Hà Nội mùa Đông 2007
Ghi chú: Địa phương đầu tư mấy tỉ vào khu đồng trũng thuộc thông Tòng Hóa – xã Đoàn Kết để nuôi Thủy sản – hàng hóa.



NHỚ ĐÔI CÂU ĐỐI QUÊ HƯƠNG
Sĩ phu “ ba tổng” rất cao tay (1)
Ba xã hai dòng ngũ cốc đây (2)
Vế đối đề ra sao hóc búa
Văn chương phú lục thật là hay.

Thi nhân “ Sáu tổng ” cũng không vừa (3)
Kinh sử dùi mài với sớm trưa
Quạ Hiền Hóa Phượng ôi kỳ vỹ (4)
Kẻ sỹ có đâu ngại nắng mưa (5)

Con người Thanh Miện hiền tài
Địa linh nhân kiệt sáng ngời vươn xa
Tự hào truyền thống quê ta
Nhớ quê Thanh Miện dù xa vẫn về.
Ghi chú:
(1)  Ba tổng: là vùng Ba Tổng Nam Thanh Miện tỉnh Hải Dương.
(2)  Ba xã gồm: Phú Mễ, Bằng Bô, Gia Cốc, có hai xã thuộc dòng Ngũ Cố ( Phú Mễ, Gia Cốc)
(3)  Sáu tổng là vùng 6 thuộc Bắc Thanh Miện
(4)  Vế đối lại cũng tên 3 xã: Từ Ô, Tòng Hóa, Phượng Hoàng, trong đó có hai xã thuộc loài chim Từ Ô ( con Quạ Hiền, chim Phượng Hoàng)
Để đối với:
“ Phú Mễ Bằng Gia Cốc
Từ Ô, Hóa Phượng Hoàng



TRỞ LẠI CHI LĂNG VỚI ĐẢO CÒ

Hơn nửa thế kỷ trở lại đây
Một vùng căn cứ giặc Tây
Chi Lăng thuở ấy nay đổi mới
Đã thắng giặc rồi tiếp dựng xây.

Có người ướm hỏi: “ Sao ở đây
Dân nghèo, ít súng dám đánh Tây?
Xin thưa: Yêu nước căm thù giặc ”
Địch đến đừng hòng thoát hỏi đây.

Khi xưa bên cạnh vực Triều Dương
Có mảnh đất nghèo An – Phương – Dương
Nay thành đất tốt cho cò đậu
Khiến bao du khách dạ vấn vương

Chi Lăng Nam xưa đất bạc màu
Nay xóa đói nghèo thêm đẹp giàu
Tạo dựng một vùng sinh vật cảnh
Cho ngành du lịch bắc nhịp cầu.

Đất Chi Lăng Nam, đất anh hùng
Cùng Chi Lăng Bắc từng vùng vẫy
Căn cứ lừng danh thời chống Pháp
Nay có Đảo Cò quý hơn vàng.

Ríu rít vạc cò suốt ngày đêm
Vạc về buổi sớm cò thay phiên
Ai muốn tìm về nơi kỳ thú
Mời đến Chi Lăng đất dịu hiền.

Đẹp cảnh đẹp người Chi Lăng Nam
Đón chào bè bạn đến tham quan
Quyết giữ Đảo Cò vùng trăng nước
Quê hương đẹp mãi với thời gian.
Mùa thu 2003



XUÂN LẠI VỀ
Hôm nay xuân lại trở về rồi
Rộn rã mừng xuân rực sáng ngời
Ai bảo xuân đi không trở lại
Xuân về cho vạn vật sinh sôi.

Nắng xuân tắm gội nở ngàn hoa
Rực rỡ Đào – Mai muôn sắc khoe
Chồi lộc xanh tươi mưa lất phất
Hoa xuân tươi thắm đẹp muôn nhà.

Xuân đi rồi đến biết bao lần
Qua Hạ, Thu, Đông lại tới Xuân
Nhí nhảnh nàng Xuân ôi đẹp quá
Ước mơ cuộc sống mãi là xuân.

Xuân Ất Mùi,2015



NGẮM LÁ QUỐC KỲ *
Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay
Ngắm cờ rực rỡ lòng ngất ngây
Nhớ ngày cách mạng mùa thu ấy
Khởi nghĩa dưới cờ đuổi Nhật Tây.

Kháng chiến chín năm vững ngọn cờ
Mỹ cút, Ngụy nhào tưởng như mơ
Cờ đỏ sao vàng nâng hồn nước
Bay khắp mọi miền thỏa ước mơ

Quốc kì đỏ thắm đượm lòng dân
Bao nhiêu xương máu chẳng ngại ngần
Bảo vệ Quốc kỳ gương quyết tử
Đẹp mãi cờ đào tới vạn xuân.

Đầu xuân Giáp Ngọ, 2014
Ghi chú
*: Suy ngẫm khi lá Quốc kì trong những ngày tết, lễ.



VỀ ĐẤT TỔ
Tháng ba chảy hội đất vua Hùng
Hà Nội Việt Trì tới Thậm Thình
Nghĩa lĩnh vút cao lòng náo nức
Hy cương xừng xững dạ tưng bừng
“ Việt Nam Triệu tổ ” lưu Thanh sử *
“ Nam quốc sơn hà ” tiếp Lạc Hồng **
Trở lại cội nguồn bao kỷ niệm
Hướng về Đất Tổ mãi ghi lòng.
Tháng 3 năm 2012
Ghi chú:
*: dòng đại tự trước đều thượng “ Nam Việt Triệu tổ”
**: Tuyên ngôn độc lập thời kỳ Đại Việt trích thơ Lý Thường Kiệt “ Nam Quốc sơn hà Nam đế cư ”


GÓP THÊM HƯƠNG SẮC
Tuổi ngót chín mươi vẫn sống vui
Hồn thơ ấp ủ mãi không thôi
Xưa còn chiến đấu lòng hăng hái
Nay đã điền viên dạ thảnh thơi
Trẻ đã tung hoành đi khắp nẻo
Già mong du ngoạn tới đôi nơi
Tràn đầy thi tứ muôn màu sắc
Để góp thêm hương những mảnh đời.
Tháng 5,2014
Ghi chú:
*: mến tặng các thi hữu đứng tuổi và các cụ bậc cao niên



UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
Kính tặng các vị thân nhân liệt sĩ và các đồng chí thương binh bệnh binh thôn Tòng hóa và xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Quê tôi có hai người con gái
Cùng tiễn chồng ra trận diệt thù
Từ ngày Cách mạng mùa thu
Anh đi, em những mong thư gửi về

Anh mang theo lời thề cứu nước
Anh sẽ về khi giặc đã tan
Ở nhà kính mẹ nuôi con
Đảm đang em quyết giữ tròn thủy chung

Cuộc kháng chiến oai hùng thần thánh
Đã vững vàng thế mạnh toàn dân
Anh tiền tuyến, em hậu phương
Nuôi quân, đánh giặc tăng cường chí cao

Điện Biên Phủ cờ sao phấp phới
Thắng Pháp rồi, Mỹ tới xâm lăng
Anh đi xẻ dọc Trường Sơn
Quyết tâm giải phóng Miền Nam mới về

Tiền tuyến gọi nhằm thù xốc tới
Giặc tan anh về với quê hương
Hai chị chung một tình thương
Thương chồng giữ trọn nước non lời thề

Tin đại thắng đưa về vang dội
Mỹ, Ngụy thua thống nhất giang san
Từ đây xum họp Bắc Nam
Em mong tin ở tiền phương gửi về

Dù xanh cỏ không hề ân hận
Hay ngực đầy những tấm huân chương
Nỗi lòng người vợ hậu phương
Đã từng một nắng hai sương đợi chờ

Rồi một người tin chồng liệt sĩ
Một nhận về người lính bị thương
Hai chị một tấm lòng son
Vì người vì cả nước non huy hoàng

Xin một phút nghiêng mình tưởng niệm
Trước hương hồn liệt sỹ thiêng liêng
Anh sống mãi trong lòng dân
Xứng danh “ Tổ quốc ghi công đời đời”

Xin cảm ơn những người chiến sĩ
Mang trên mình thương tích nặng nề
Đã từ cõi chết trở về
Xứng danh Người lính cụ Hồ quang vinh

Được sống trong hòa bình hạnh phúc
Nhớ ơn người vì nước quên thân
Trung với Đảng, hiếu với dân
Các anh vì nước xả thân kiên cường.

Uống nước phải nhớ tới nguồn
Được ăn quả chín nhớ người trồng cây.

Hà Nội ngày 27/7/2007




SAPA TRONG SƯƠNG
Mái nhà cao nhất của Đông Dương *
Nhìn xuống SaPa đẹp lạ thường
Rừng núi ôm mây, mây phủ núi
Sa pa huyền ảo khuất trong sương

Tôi tới SaPa một buổi chiều
Thấy lòng thanh thản biết bao nhiêu
Những ngôi biệt thự bên lưng núi
Dưới chợ ngựa thồ đã tới nhiều.

Đến phố Lào Cai lúc nắng nồng.
Sa pa buổi tối đắp chăn bông
Ban ngày ít thấy trời hoe nắng.
Đẹp lắm Sa pa tình thắm nồng.

Mải miết đi tìm thác với cầu **
Cầu Mây thác Bạc vẻ muôn màu.
Sáo Mông quyến rũ dư âm mãi
Náo nức chợ Tình để tìm nhau.

Nhà thờ cổ kính rạng non cao
Vườn thuốc nhân sâm thêm tự hào
Thược dược bên đường khoe sắc thắm
Sa mu trùng điệp đẹp vùng cao. ***

Thăm vùng danh thắng ngát hương hoa
Cuộc sống đồng bào lại khác xa
No ấm ước mơ người thiểu số
Để niềm suy ngẫm mãi trong ta.


Ghi chú:
*: Đỉnh Phanxipăng (Hoàng Liên Sơn)
**: Ở  SaPa có đôi câu thơ:
SaPa thác Bạc cầu Mây
Có Đào Bích Nhị ngất ngây lòng người.
***: Loại gỗ quý này thành rừng trùng điệp ở SaPa.




NẶNG TÌNH QUÊ HƯƠNG
Quê tôi xưa có cây gạo trên đê
Có cây đa cổ thụ đầu làng
Có giếng nước trong mái đình cổ kính
Có chùa miếu Nghè, có đường Nghinh Tống *
Ấm lòng dân khi tắt lửa tối đèn
Thương yêu nhau khi gửi gắm tấm lòng
Đùm bọc nhau trong những năm đói kém **
Ôi đẹp biết bao tình làng nghĩa xóm
Thắm thiết bên nhau tình cỏ nội hương đồng
Quê hương tôi có bến nước dòng sông ***
Thuở thiếu niên tôi thường ra tắm mát
Quê hương tôi có đồng xanh bát ngát
Phấp phới cánh cò bay lả bay la.

Kể từ ngày cách mạng mùa thu
Trong chống Pháp và những năm chống Mỹ
Lớp thanh  niên tình nguyện làm chiến sỹ
Đã bao người thành liệt sĩ thương binh
Cả làng tôi đều quyết chí lập công
Cùng toàn quốc làm nên ngày đại thắng
Quê hương tôi đang trên đà khởi sắc
Đang vươn lên đổi mới từng ngày.
Đã bao năm xa lũy tre làng
Nay trở về trong lòng thêm phấn khởi
Gần sáu mươi năm theo đường Bác – Đảng
Vết chân đã qua Đông –Bắc – Đoài – Nam
Nhớ về làng càng trìu mến quê hương.

Bao năm trên bước đường xa
Vẫn luôn canh cánh thiết tha quê mình
Xa quê lòng vẫn đinh ninh
Xa quê ai chẳng nặng tình quê hương.
Mùa thu 2003
Ghi chú:
*: Đường Nghinh Tống để rước quan nghè về đình làng tế trong dịp đình đám.
**: Trong nạn đói năm Ất Dậu – 1945 nhờ sự hảo tâm của những người có dư  thóc gạo, tổ chức cứu tế ở làng do Việt Minh chỉ đạo, đã nấu cháo và phát cho dân đói suốt vụ giáp hạt nên không có người chết đói.
***: Có dòng sông Cửu An chạy từ Kẻ Sặt về dọc làng và qua cánh đồng, có bãi cát trắng tắm mát.


HẬN LỆ CHI VIÊN
Đường trường theo gót tới Nam Quan  (1)
Lời dặn của cha “ chớ khóc than
Nợ nước thù nhà con phải trả
Tìm người Minh chủ đất Lam Sơn”
Những năm ẩn dật ở Đông quan
Bạn đời gặp gỡ “ Cô chiếu gon”  (2)
Náu mình hoạch định “ Bình Ngô Sách”
Vượt núi băng rừng tới Lam Sơn
Lê Lợi vi quân “ Nguyễn Trãi thần ” (3)
Mười năm chiến đấu gốc là dân
Muôn trùng gian khổ không sờn chí
“ Đại cáo bình Ngô ” báo chiến công  (4)
              Bởi chốn quan trường lắm đảo điên
              Âm mưu hiểm độc Lệ Chi Viên
              “ Công thần ” ngược lại thành “ tử tội”
              Tang tóc đau thương khắp sĩ – dân (5)
Tuy đời đã giải nỗi oan khiên
Nay lập đền thờ tại Côn Sơn
Văn hóa danh nhân hàng thế giới
Muôn đời vẫn hận Lệ Chi Viên.
Mùa thu 2008
Ghi chú:
(1)  Theo Đại Việt Sử Ký . Khi ông Nguyễn Phi Khánh bị giặc bắt đưa về nước Tần, Nguyễn Trãi đã tiễn cha tới Mục Nam quản.
(2)  ở Đông Quan Nguyễn Trãi đã gặp một ô gái tài sắc song toàn đó là Thị Lộ - Cô gái bán chiếu gon giờ đây ta vẫn còn nhớ bài thơ xướng họa tuyệt tác của Nguyễn Trãi và Thị Lộ.
Xướng:
Cô ở đâu ta bán chiếu gon
Chiếu cô đã bán hết hay còn
Xuân thu chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa được mấy con
Họa:
Tôi ở tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Tuổi chừng mười tám đôi mươi đó
Chồng còn chưa có nói chi con.
(3)  Đánh vào tâm lý tin vào thần thánh Nguyễn Trãi đã cho viết chữ “ Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thân ” bôi mật mỡ vào khi kiến đục hết mật mỡ còn trơ lại dòng chữ như một câu thơ thần cho mọi người tin và hướng về Lam Sơn theo Lê Lợi.
(4)  Bài Bình Ngô Đại Cáo  như một bản vạn cổ hùng văn và cũng là cơ sở để thế giới công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới.
(5)  Vụ Lệ Chi Viên cũng là cái tang chung của toàn dân và chiến sĩ đã từng cùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi 10 năm kháng chiến gian khổ và thắng lợi.



MỘT THOÁNG QUA TRƯỜNG

Qua rẫy bằng lăng đến ngọc lan
Hương thơm tỏa ngát dạ hân hoan
Khu trường đại học nhiều cây quý
Kiến tạo cảnh quan đẹp huy hoàng

Xưa khu tập thể ở ven đồi*
Vách đất nhà tranh vẫn tiếng cười
Nay ở cạnh trường cao chót vót
Mời anh quá bộ tới khu tôi.

Xưa kia sơ tán ở nhà dân
Sau tự dựng xây những mái tranh
Nay tới đất lành nhà lộng gió
9 tầng ký túc của sinh viên

Trước đây là ruộng của Minh Khai**
Tọa lạc một bên lộ Ba Hai (32)
Nay dựng mái trường cao hiện đại
Mười bẩy tầng lầu chẳng kém ai.

Dưới tán cây đa có miếu Trò
Còn in sự tích mấy ai ngờ
Nơi này dấu ấn người hàn sĩ
Vì đói nằm đây mãi chẳng về

Sức bật của trường thật diệu kỳ
Chặng đường vượt khó đẹp mê ly
Thầy trò cùng những người phục vụ
Có Đảng dẫn đường vững bước đi.
*Ở khu sơ tán thời chống mỹ thuộc tỉnh Hà Bắc
**Xã Minh Khai, thuộc Huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội
***Theo lời kể của bà con địa phương: nơi đây ngày xưa gọi là Cầu Chờ. Từ khi có một anh học trò nghèo thường qua đây vào kinh thành để tầm sư học đạo, nhưng anh đã bị chết đói ở đây nên có tên là Cầu Trò.


TÂM SỰ NHÀ GIÁO

Tôi vẫn nhớ về một mái trường
Bao ngày  lên bục giảng thân thương
Các em đâu phải còn thơ ấu
Chớm tuổi thanh xuân tới học đường.

Càng yêu càng gắng việc trồng người
Tuy đã biết rằng khó mấy mươi
Lớp trẻ bốn phương từ trăm họ
Hồng chuyên rèn luyện để vào đời

Thắm thiết niềm vui nghiệp lái đò
Vì dân vì nước vẫn toan lo
Bảng đen, dạ sắt luôn thanh bạch
Phắn trắng, lòng son chẳng bụi mờ.

Tỗi vẫn dõi theo bước học trò
Ra trường hăng hái dựng cơ đồ
Đắp xây, bảo vệ non sông Việt
Lớp lớp “ thành danh” đâu bất ngờ

Về hưu càng nhớ biết bao lần
“ Nhà giáo ngày vui ” đang đến gần
Nhớ bạn, nhớ trò đi khắp nẻo
Góp xây đất nước đẹp muôn phần.
Hà Nội, 18/11/2005





HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN
Sinh thành danh tướng tử thành thần
Thái úy Trần triều đấng đại nhân
Tướng sĩ hịch truyền mưu kháng địch
Hận nhà hóa giải trí tôn quân
Ba lần thắng giặc lưu muôn thủa
Bốn cõi an dân để mãi xuân
Chiến tích còn ghi nơi Kiếp Bạc
Sinh thành danh tướng tử  thành thần.

NGẮM NHÀNH HOA PHONG LAN
Một lẵng phong lan khéo bón trồng
Thân tròn rễ trắng tỏa ngang hông
Cả năm nước đẫm càng xanh lá
Một sớm sương mờ đã biếc bông
Xưa đến sống nhờ cây  hốc đá
Nay về độc lập gác ven sông
Nhờ người chăm tưới lan tươi tốt
Vui ngắm nhành hoa đẹp tấm lòng.
Mùa thu 2008.




BA MƯƠI NHĂM NĂM MỘT MÁI TRƯỜNG
Tôi lại trở về với mái trường
Việt Hưng Hữu Nghị mới tinh sương
Đến nay trường đã ba nhăm tuổi
Lại sớm bước lên Đại học đường.
            Ôn lại mái trường lúc sơ khai
            Giữa nơi heo hút của xứ Đoài
            Đồi gò leo lách vùng sơn cước
            Có sức thanh niên góp trí tài.
Sức mạnh Việt Hưng thật phi thường
San đồi bạt núi dựng nên trường
Kết đoàn chung sức cùng vun đắp
Để có hôm nay Đại học đường.
            Ba nhăm năm ấy rất can trường
            Lãnh đạo chung tay rất vững vàng
            Nhà giáo tận tâm truyền kiến thức
            Sinh viên rèn luyện rất ngoan cường.
Ấp ủ niềm vui nghiệp lái đò
Bạn cùng sông nước với đôi bờ
Bảng đen dạ sắt luôn thanh bạch
Phấn trắng lòng son chẳng bụi mờ.
            Bồi dưỡng nhân tài hiến cho đời
            Bởi bao công sức góp trồng người
            Việt Hưng tô thắm Hà Thành mới
            Núi Tản sông Đà tỏa sáng ngời
Mối tình Hữu Nghị vẫn như xưa
Dù trải thăng trầm mấy nắng mưa
Với chí “ dời non và lấp biển ”
Việt Hưng lấp lánh đẹp như mơ.
            Muôn lời kính tặng chúc nhà trường
            Tạo lớp kế thừa chuyên – thắm hồng
            Đại học Việt Hưng luôn mạnh bước
            Góp xây đất nước mãi hùng cường.
Hà Nội, ngày 20/11/2012

THĂM ĐẤT HAI VUA
Mới đến Sơn Tây * nắng lại mưa
Thăm Vùng làng cổ đất Hai  Vua**
Lừng danh Bố Cái dân mong đợi
Hiển hách Ngô Vương giặc phải thua
Sự tích Sứ Đoài vang bốn cõi
Bài ca Cửa Triệu vọng ngàn xưa
Võ  công chói lọi lưu truyền thống
Hậu thế noi gương mãi kế thừa.
Hà Nội, 11/2009
*Đậy là vùng bán sơn địa dễ nắng dễ mưa

** Hai Vua là làng cổ Đường Lâm nơi sinh Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền.


VAI TRÒ XUNG KÍCH
Hôm nay trở lại Xứ đông
Lòng vui nao nức mênh mông tràn trề
Địa linh nhân kiệt truyền kỳ
Bao năm chiến đấu chẳng hề nghỉ ngơi
Lục đầu giang mãi tuyệt vời
Đường 5 quật khởi sáng ngời chiến công
Thanh niên cứu quốc khai thông
Thanh niên cộng sản góp công trí tài
Kế thừa truyền thống muôn đời
Côn Sơn Kiếp Bạc ngời ngời sử xanh
Đồng xanh nhà máy cũng xanh
Thời kỳ đổi mới có anh có nàng
Góp xây cuộc sống đàng hoàng
Công nông trí thức rộn ràng tiến mau
Thanh niên vị trí hàng đầu
Vượt qua gian khó mặc dầu nắng mưa
Vui trong  lập nghiệp sớm trưa
Bảo vệ Tổ quốc mới vừa lòng nhau
Ơn Đảng nghĩa nặng tình sâu
Nhớ lời Bác dạy trước sau một lòng
Thanh niên giương ngọn cờ hồng
Vai trò xung kích mãi trong tim này.
Hà Nội, 11/2009

THĂM QUỐC TỬ GIÁM
Rực rỡ Thăng Long cuốn sử  vàng
Còn đây  Văn Miếu đẹp huy hoàng
Hàng bia Tiến sĩ niềm kiêu hãnh
Dấu ấn hiền tài nức tiếng vang
Quá khứ tiền nhân đà rộng mở
Tương lai hậu duệ sẽ thênh thang
Phát huy truyền thống ngời văn hiến
Rực rỡ Thăng Long cuốn sử  vàng.


HÀO KHÍ NGÀN NĂM ĐẤT TRỐNG ĐỒNG
Một vùng cổ kính trước công nguyên*
Thành nội ngoại ô rất hợp duyên
Đồng cổ Từ Liêm văn hiến địa
Thăng Long Hà Nội thái bình thiên **
Đương thời vất vả tâm càng vững
Quá khứ gian truân chí vẫn bền
Nguyên Xá – Minh Khai vui phấn đấu***
Xứng danh hào khí đất Rồng – Tiên.
14h25’ ngày 3/4/2015
Ghi chú:
*Theo thần phả của miếu Đồng cổ cư dân Nguyên Xá đã đến đất này từ trước công nguyên
** “Đồng cổ Từ Liêm văn hiến địa
Thăng Long Hà Nội thái bình dân”
Dịch nghĩa:
Trời Đồng cổ Từ Liêm một vùng văn hiến
Đất Thăng Long Hà Nội muôn thuở thái bình.
***Nguyên xá có miếu thờ Thần Đồng cổ nay thuộc phường Minh Khai quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.



NGẪU HỨNG TUỔI 90
Xuân này tuổi hạc 90 tròn*
Trải mấy bể dâu dạ sắt son
Tuyến lửa sẵn sàng yên tổ quốc
Giảng đường tận tụy vững giang sơn
Khi vui du ngoạn ca danh thắng
Lúc rảnh đề thơ vịnh nước non
Mải miết thi đàn cùng sướng họa
Hương thơm tỏa ngát để đàn con **
Đầu xuân Ất Mùi 2015
*Tính theo tuổi mụ
** Từ câu ngạn ngữ cổ “ Di hương bất di sú ” dịch nghĩa là để lại tiếng thơm không đểlại tiếng xấu.



ĐẾN HỒ GƯƠM
Tháp rùa rực sáng giữa Thành Đô
Nhành liễu thướt tha rủ mặt hồ
Tháp Bút Đài Nghiên đang đứng đợi
Ngọc Sơn Thê Húc vẫn trông chờ
Tao nhân vãng cảnh lòng lưu luyến
Mặc khách tham quan dạ ngẩn ngơ
Ai đã qua đây không cảm hứng
Ngắm vùng thắng cảnh muốn đề thơ.
Mùa xuân Ất Mùi 2015.


TUỔI CAO VẪN THẮP SÁNG ĐƯỜNG THI

Bài xướng của lão Thi sĩ Hoài Yên:

Dòng đời thấm thoắt tám mươi xuân
Được - Mất ? Âu trong lẽ chuyển vần!
Ái mộ thơ Đường, tim đỏ chót
Giao du tình bạn, tuyết trong ngần.
Ngu hèn, mau được bù cần mẫn
Nghèo kiết, vui không vướng nợ nần.
Cứ thế ... sống kỳ cho đến chết
Dù bao bận nữa với nàng Xuân!
Hoài Yên

Bài họa của Nhà thơ Thanh Tòng


Chốc đã tới rồi bát thập xuân
Bách niên tuần tự sẽ xoay vần
Giao lưu phú lục thêm xanh thẳm
Thắp sáng đường thi mãi trắng ngần
Cần mẫn không thua tri với thức
Cơ hàn chẳng vướng nợ cùng nần
Bao giờ Bắc Đẩu, Nam Tào gọi
Thời điểm “ bất kì ” hết nợ xuân.
Ngày 10/4/2014
Ghi chú: Họa bài thơ Tự họa 80 của lão thi sỹ Hoài Yên người có công lớn trong phong trào thắp sáng Đường thi thời kỳ cuối thế kỷ 20 và đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ 21.


ĐẤT NƯỚC CỦA THI CA
Đất nước này đã bao đời dầu dãi
Dù nắng lửa mưa trơn vẫn kiên cường bươn trải
Vẫn yêu đời bằng tục ngữ ca dao
Đất nước này ai cũng biết vì sao
Ngày lại ngày vẫn đắp vun nền văn hiến
Cả những khi gặp cơn nguy biến
Vẫn oai hùng với bài “ Nam quốc sơn hà ”(1)
Đất nước đã qua bao cảnh bi hùng
“ Nhưng sĩ kiệt đời nào cũng có ”
Dù gặp bao phũ phàng dông tố
Vẫn vang lên “ Đại cáo Bình Ngô ”(2)
Đất nước có cả kho truyện bằng thơ
Văn chương bình dân và bao vần thơ uyên bác
Người được thế giới xếp hàng danh nhân kiệt tác
Đọc truyện Kiều ai chẳng khóc Tiên điền (3)
Từ người tuổi cao đến lớp thiếu niên
Ai cũng thuộc lòng “ Trăm năm trong cõi …”
Từ thuở Bác Hồ đi tìm đường mở lối
Thi sĩ đâu còn “ để tâm hồn treo ngược cành cây ”(4)
Thơ giải phóng, thơ kháng chiến càng say
Say chiến thắng nghĩa nhân trong thi tứ
Nguồn thi ca hào hùng trong quá khứ
Sẽ lưu truyền mãi đến muôn đời
Trong đổi mới xây dựng cuộc sống sáng ngời
Ta lại thấy nguồn thơ ca bất tận
Từ thành thị nông thôn tới vùng phụ cận
Ở đâu cũng “ ra ngõ gặp thi nhân” (5)
Đời sống văn minh đâu chỉ có mặc với ăn
Còn cần những vần thơ mượt mà thôi thúc
Các tầng lớp công nông và trí thức
Sáng tác thi ca để phục vụ con người
Lớp cao niên đã gần sống hết cuộc đời
Vẫn muốn thảnh thơi bằng vần thơ khúc nhạc
Cho đất nước này mãi của thi ca

Càng yêu Tổ quốc gấm hoa
Càng vui viết tiếp vần thơ yêu đời.
Tết Nguyên Tiêu xuân Bính Tuất.
Ghi chú:
(1 ) Thơ của Thái úy Lý Thường Kiệt khi phá quân Tống trên sông Như Nguyệt ( Sông Cầu)
(2) Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi sau khi chiến thắng giặc Minh
(3) Tố Như, Tiên Điền tiên sinh ( Nguyễn Du) đã có di chúc:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khóc Tố Như.
(4) Thơ của Sóng Hồng  ( Trường Trinh – Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam ) khuyên các nhà thơ với bài “ Là thi sĩ”
(5) Phong trào thơ ca hiện nay phát triển mạnh chẳng khác gì thời kỳ chống Mỹ “ Ra ngõ gặp anh hùng”.



ANH LÍNH BIÊN PHÒNG*
Đất nước trải dài mãi vẹn nguyên
Quân dân bảo vệ khắp ba miền
Không trung, mặt biển phòng xâm lấn
Hải đảo đất liền chống đảo điên**
Tổ quốc trường tồn càng vững bước
Tinh hoa phát xuất mãi vươn lên
Nhân dân được sống an khang thịnh
Nhờ có các anh người lính biên.
*Kính tặng các chiến sĩ Biên Phòng Việt Nam
** Những hành động thay đổi di chuyển mốc biên trên đất liền của họ trước đây và ngày nay họ lại đang gây lộn xộn ở Biển Đông.


   

ĐIỆN BIÊN NỐI TIẾP NHỮNG CHIẾN CÔNG
Chiến thắng Bạch Đằng thế kỷ 10 (938)
Đánh cho giặc Bắc chạy tơi bời
Sau 5 thế kỷ Chi Lăng tiếp (1420)
Giặc Minh đại bại rút quân hồi

Thắng trận Đống Đa diệt Mãn Thanh
Buộc Tôn sỹ Nghị hết tung hoành
Ngót ba mươi vạn quân tan tác
Hoàng Đế Quang Trung rạng sử xanh

Năm sáu (56) ngày đêm hạ quyết tâm
Đập tan cứ điểm lũ tây điên
Pháp đành chịu nhục vì thua trận
Dấu ấn muôn đời trận Điện Biên

Điện Biên chấn động cả địa cầu
Lẫy lừng vang dội khắp năm châu
Cáo chung chế độ thực dân cũ
Thế giới cần lao bớt khổ đau

Việt Nam đã thắng chú voi già**
Nguyện vọng hòa bình niềm thiết tha
Thế trận toàn dân nhất định thắng
Sáu mươi năm ấy mãi vang xa

Mở trang lịch sử cả nghìn năm
Thắng trận Điện Biên đuổi ngoại xâm
Thế giới ngợi ca gương cảm tử
Điện Biên chiến thắng mãi lừng danh.
Hà Nội, 5/2014
*Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2014)
* Biện Biên nối tiếp những chiến công, Bạch Đằng Chi Lăng, Đống Đa
** Lúc đầu kháng chiến chống pháp có người hỏi ta như châu chấu đá voi
**Bác Hồ trả lời: Nay tuy châu chấu đá voi, nhưng mai voi sẽ phải lòi ruột ra.

NGHĨA ĐẢNG TÌNH DÂN
Thọ ngoài tám chục chí chưa già
Tuổi Đảng 60 mươi vẫn thiết tha*
Mặt trận Việt Minh cùng hoạt động
Thanh niên cứu quốc đã tham gia
Hiểm nguy chiến đấu không lùi bước
Gian khổ trường chinh vẫn tiến xa
Liêm chính kiệm cần nguyền giữ trọn
Tình dân nghĩa Đảng sáng lòng ta.
Mùa thu 2008
Ghi chú:
*Đảng viên 60 năm tuổi Đảng, thuộc chi bộ cơ khí 3A, Đảng bộ phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.



THĂM HUẾ NHỮNG NGÀY MƯA
Nhớ hoài thăm Huế những ngày mưa
Thắng tích kỳ quan in dấu xưa
Lao động khổ sai xây miếu vũ
Sức người sáng tạo dựng Thành Đô
Sông Hương nước xiết hồn ngây ngất
Núi Ngự mưa tuôn dạ ngẩn ngơ
Huế mãi nên thơ màu tím đậm
Nhớ hoài thăm Huế những ngày mưa.
Cố đô Huế 2000
*Kỷ niệm tham quan Cố đô Huế với đoàn do Ban giáo dục Hà Nội tổ chức.



CHIỀU THU QUA ĐÈO NGANG
Chiều thu nhớ mãi qua Đèo Ngang
Bà Huyện đến đây niềm chứa chan
Xưa phải đau lòng nơi đất Bắc
Nay đà đẹp dạ chốn trời Nam
Xưa trời non nước buồn ngao ngán
Nay Bắc – Trung – Nam vui ngập tràn
Mảnh đất đất hồn thơ bao kỷ niệm
Chiều thu nhớ mãi qua Đeo Ngang.
Mùa thu 2007
*Kính cẩn tặng nhà thơ Đường luật nổi tiếng Bà Huyện Thanh Quan được đời sau mến mộ nhân chuyến thăm Cố đô Huế và dừng chân tại Đèo Ngang.



NÚI RỪNG TAM ĐẢO
Đến những vùng cao tựa gấm hoa
Phía Nam Đà Lạt, Bắc SaPa
Tìm về nghỉ mát vùng Tam Đảo
Đất nước tình yêu càng thiết tha.
Mùa hè tới Vĩnh Yên
Hòa quyện với thiên nhiên
Hãy gắng lên Tam Đảo
Cõi Trần tưởng là Tiên.
Trên núi rừng Tam Đảo
Tiếng thác đổ ào ào
Nghe con tim rạo rực
Bên lưng đồi thông reo.
Những ngôi nhà nghỉ mát
Thoai thoải bên sườn non
Êm đềm nghe suối hát
Ngắm hoa trắng tinh khôi.
Leo tới đỉnh cao chỉ một đường
Thăm vùng thắng cảnh ngát hoa hương
Biết bao kỳ thú trên Tam Đảo
Nghỉ mát ra về mãi vấn vương.


KỂ CHUYỆN DANH NHÂN
Bảng Nhỡn Nguyễn Nghi (1)
*Hai dòng sông
Tông Hóa bên dòng sông Cửu An
Nghi Hà gắn kết vùng Sơn Giang(2)
Trung Hoa thuở ấy xa xôi lắm
Sao đã có người đặt tên con.(3)

*Hai quê hương
Bảng nhỡn lừng danh cụ Nguyễn Nghi
Hải Đông – Tỉnh Thái ở hai quê
Nơi sinh Tòng Hóa vùng Thanh Miện(4)
Tìm đến Vũ Tiên đất nguyện thề.(5)

*Lận đận con đường khoa bảng
Họ Nguyễn làng tôi có cụ Nghi
Bao phen lều trõng dự khoa thi
Tuổi gần sáu chục vẫn chưa đỗ
Sáu mốt xuân xanh trúng hội kỳ.(6)
Ngày xưa sau tuyển văn bài
Đến phần vấn đáp thể tài phú thơ
Đầu đề nêu “ Lão ngưu thi”(7)
Cụ Nghi ứng khẩu ai ngờ đạt cao
Vui mừng khôn xiết tự hào
Nhị danh Bảng Nhỡn ngôi sao sáng ngời
Sân rồng nổi trống vang trời
Vinh quy bái tổ cho đời biết danh.

*Quan trường và dân thường
Tấn phong chức Tả Nhị Lang
Khâm thừa chánh sứ lân bang giao hòa(8)
Quan cao nhưng chẳng xa hoa
Vẫn xin trí sĩ về nhà làm dân
Quy tiên 88 tuổi xuân
Thượng Thư truy tặng Vua ban sắc hồng.

*Họ Nguyễn hai quê noi gương quan bảng
Suốt đời kiệm học cần công
Quan thanh liêm nức tỉnh Đông – Thái Bình
Gần 90 tuổi se mình
Đi xa để lại nghĩa tình hai quê
Cháu con họ Nguyễn đề huề
Một nhà đùm bọc tìm về có nhau(9)
Người đi trước, rước người sau
Tiền Phong, Đoàn Kết tiến mau kịp người
Hải Dương – Tỉnh Thái sáng ngời
Có dòng họ Nguyễn đời đời góp công.(10)

*Nghi Hà: con sông nối liền hai tỉnh Sơn Đông và Giang Tô.
** Năm 61 tuổi cụ Nguyễn Nghi mới đậu tiến sĩ vào thi đình đậu bảng Nhỡn.
*** Sau khi quan Nghè Nguyễn Nghi tạ thế ở Tòng Hóa xây ngôi Nghè ở cánh đồng xa đắp con đường gọi là đường Nghinh Tống để hàng năm rước bài vị về đình làng để thờ( Vì đình làng trước đời cụ Nghi đã thờ vị thành hoàng)
Ghi chú cụ thể                                                             
(1)  Theo lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Đoàn Kết xuất bản Dòng 2 – Trang 14 ghi rõ: Là vùng quê nghèo nhưng con người Đoàn Kết lại rất hiếu học. Tiêu biểu là Nguyễn Nghi (1577-1657) người làng Tùng Hóa ( nay là thôn Tòng Hóa) nổi tiếng ham học và học giỏi nhất vùng. Năm 61 tuổi ông thi đỗ Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ, Cập Đệ Nhị Danh ( Bảng nhãn) khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1637) làm quan tới chức Thừa chánh sứ, Thăng Tả Thị Lang. Khi mất được tặng chức Thượng Thư ( Văn bia tại Văn Miếu – Hà Nội và danh sách tại Văn Miếu Hải Dương vẫn còn)
(2)  Nghi Hà là con sông bắt nguồn từ tỉnh Sơn Đông chảy vào tỉnh Giang Tô ( Trung Quốc)
(3)  Thân phụ của ông Nguyễn Nghi là người làng Tòng Hóa bên dòng sông Cửu An mà sao cụ lại biết tên một con sông ở tận nước Trung Hoa để đặt tên cho con mình đó là dòng sông Nghi. Như vậy thân phụ của ông Nguyễn Nghi phải là Thượng thông thiên văn hạ đạt địa lý chứ không phải là người bình thường.
(4)  Khi mới thành lập có tên là Tùng Hóa. Trang sau này gọi là Tòng Hóa thuộc Tổng Phí Xá ( Tổng Phí Xá có 10 xã: Phí Xá, Thanh Xá, Phương Quan, Lâm Cầu, Hoành Bồ, Vĩnh Mộ, Tòng Hóa, Bằng Bộ, Văn Khê, Phạm Khê) Thuộc huyện Thanh Miện – Hải Dương. Sau cách mạng tháng 8/1945 xã Tòng Hóa được Liên với các xã Vĩnh Mộ, Hoàng Bồ, Lâm Cầu thành liên xã Lê Lợi ( thường gọi là xã Lê Lợi)
Từ ngày 2/1946 đến tháng 1/1948 Tòng Hóa lại thuộc xã Lê Hồng bởi vì
từ đó 2 xã Lê Lợi và Hồng Thái ( xã Hồng Thái gồm các xã: Chỉ Trung, Phí Xá, Thanh Xá, Phương Quan) hợp nhất thành Lê Hồng. Sau cải cách ruộng đất  (1955-1956) tháng7/1956 thôn Tòng Hóa lại được nhập vào xã Đoàn Kết như ngày nay.
(5)  Vì hoàn cảnh của một nho sinh nghèo lại gặp phải nhiều khó khăn trong gia đình tới mức không thể chịu đựng được ông Nguyễn Nghi đã phải từ dã quê hương tìm đến đất Vũ Tiên – Thái Bình nay là phường Tiền Phong – Thành phố Thái Bình- tỉnh Thái Bình kiếm sống và tiếp tục học tập để đi thi mong có ngày đỗ đạt làm rạng rỡ tổ tông và quê hương.
(6)  Thế là người học trò nghèo Nguyễn Nghi bao năm lều chõng nhưng cũng mãi đến năm Đinh Sửu- đúng 61 tuổi ông đã được toại nguyện xếp hàng tiến sĩ đệ nhất giáp.
(7)  Vì triều đình thấy một tiến sĩ già bước vào thi đình nên Nhà Vua đã ra đề : “ Lão Ngưu thi” nghĩa là thơ về con trâu già. Cụ Nguyễn Nghi đã trả lời bằng một bài thơ Đường luật rất hay nên đã đậu Đệ Nhị Danh Bảng Nhỡn với thể thơ Đường luật nhất ngôn bát cú. Nội dung bài thơ như sau:
TRÂU GIÀ THƠ
Một nắm xương khô bọc với da
Bao nhiêu cái ách đã từng qua
Đuôi kia biếng gẩy Điền Đan hỏa
Tai nọ buồn nghe Nịnh tử ca
Sớm tới vườn Đào nhai bỏm bẻm
Tối về ngõ Hạnh thở phê pha
Có khi hộc tốc qua vườn Hạ
Ơn đức Tề Tuyên lại được tha.
            *Bài thơ này được thân phụ Nguyễn Vượng (1899-1992) đọc cho Nguyễn Thanh Tòng ghi tháng 8/1986.
(8) Phần này chỉ là lược ghi bằng thơ nên chưa hệ thống được đầy đủ. Ví dụ: Có thời kỳ cụ Nguyễn Nghi đã từng làm quan phụ mẫu tại Nghệ An, ở Kinh Đô,…
(9) Mãi tận cuối thế kỷ 20 dòng họ Nguyễn chi Tòng Hóa mới tìm gặp được dòng họ Nguyễn chi Tiền Phong ở Thái Bình.
(10) : Hai chị họ Nguyễn ở hai quê khác nhau: Tòng Hóa – Đoàn Kết- Thanh Miện- Hải Dương và Tiền Phong – TP. Thái Bình- tỉnh Thái Bình đều đã và đang có sự đóng góp trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… cho cả hai quê Hải Dươg, Thái Bình và đất nước để xứng đáng với công lao, ân đức mà cụ Nguyễn Nghi đã đóng góp cho Tổ quốc.
Phụ ghi:
Nội dung của bài thơ và những ghi chú trên đều do thân phụ tôi là cụ Nguyễn Vượng kể lại: Tôi đã sưu tầm thêm và cùng cụ Nguyễn Văn Mốt, anh Nguyễn Lưu ( người Tòng Hóa) và anh Nguyễn Văn Khỏe là cháu ngoại của họ Nguyễn ( ở Cổ Bì, Bình Giang) đến tại Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội và tôi đến Văn Miếu Mao Điền – Hải Dương thuộc xã Cẩm Điền – Cẩm Giàng – Hải Dương và một phần trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Đoàn Kết – Thanh Miện- Hải Dương. Đồng thời tôi đã đến tham quan nhà tưởng niệm cụ Nguyễn Lương Bằng – Cố phó chủ tịch nước ở xã Thanh Tùng- Thanh Miện- Hải Dương có ghi các vị khoa bảng. Trong đó có ghi rõ cụ Nguyễn Nghi người làng Tòng Hóa- xã Đoàn Kết- Thanh Miện – Hải Dương.
Tác giả:
Nguyễn Văn Hách
( Tức Nguyễn Năng Cường
Bút danh Thanh Tòng)


THẢNH THƠI THI HỌA CẦM KỲ*
Trải hơn tám chục tiết trời đông
Chí vẫn vững vàng mắt sáng trong
Bát cú ngâm nga vui mỹ tục
Ngũ ngôn sáng tác đẹp thuần phong
Khi nhàn thi họa thêm thanh thản
Lúc rảnh cầm kỳ vẫn ước mong
Tình khúc giao lưu cùng bạn hữu
Chị Hằng duyên dáng đợi ngoài song.
*Tâm đắc 2 câu thơ của Bác Hồ nói với Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II, Bác nói thường là người già phải được:
“ Thảnh thơi vui thú thanh nhàn
Sớm khuya tiếng nhạc tiếng đàn tiêu dao”

TRÁI BOM LẦN ĐẦU CŨNG LÀ LẦN CUỐI
Phát Xít gây ra cuộc chiến chinh(1)
Dân lành cực khổ bởi đao binh
Trung Xô chịu đựng gian nan nhất(2)
Mặt trận Đồng minh đã định hình(3)
Tiếng súng vang rền ở khắp nơi
Thắng thua thế trận đã an bài(4)
Phía tây chàng Hít đánh thua trận
Nhật Bản Quan Đông cũng bại rồi
Loài người muốn giữ đẹp màu xanh
Vì khổ muôn trùng bởi chiến tranh
Sao bọn chuyên nghề buôn vũ khí?
Đem bom nguyên tử diệt dân lành
Năm nay kỷ niệm ngày đau thương
Người Nhật nguyện cầu hết chiến trường
Bom H lần đầu là lần cuối (5)
Chỉ còn hữu nghị với thương trường.
Hà Nội, 6/8/2008
Ghi chú:
(1)  Tổ chức Phát Xít gồm: Nhật, Đức, Ý gây chiến tranh thế giới thứ 2 (1939-1945)
(2)  Trong thế chiến 2 Trung Quốc và Liên Xô bị thiệt hại năng nề nhất.
(3)  Mặt trận Đồng Minh chống Phát Xít được hình thành gồm Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ,… ở Việt Nam cũng thành lập mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh gọi tắt là Việt Minh từ tháng 5/1941
(4)  Khi thế trận đã an bài như đế quôc Mỹ vẫn ném bom nguyên tử xuống Hiroxima và Nadagaki giết hại hàng chục vạn dân lành đúng ngày 6/8/1945.
(5)  Ngày 6/8/2008  nhân dân Nhật Bản kỷ niệm 63 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật. Ở lễ kỷ niệm đau thương này người Nhật cầu nguyện trái bom nguyên tử đầu tiên ấy sẽ là trái bom cuối cùng.